Phân biệt cáp chống cháy và cáp chậm cháy

Phân biệt cáp chống cháy và cáp chậm cháy

 

Dây cáp điện chậm cháy, cáp chống cháy ngày càng được sử dụng nhiều trong các nhà máy, xí nghiệp, văn phòng, tòa nhà nhằm phòng chống và giảm thiểu các nguy cơ về cháy nổ. Thế nhưng không phải ai cũng hiểu rõ và phân biệt được hai loại cáp này để có được sự lựa chọn và ứng dụng loại cáp phù hợp nhất. Cùng tìm hiểu về cáp chống cháy và chậm cháy qua bài viết dưới đây.

1/ Cáp chống cháy không có nghĩa là cáp không bị cháy

Cáp chống cháy không có nghĩa là cáp không bị cháy hoặc chống lại sự cháy, mà nó có đặc tính khó cháy hạn chế cháy lan và khi bị cháy thì cáp vẫn có thể dẫn điện trong một khoảng thời gian theo cấp độ tiêu chuẩn quy định của loại cáp đó.

Một số tiêu chuẩn của cáp chống cháy:

Tiêu chuẩn cáp chống cháy
Theo tiêu chuẩn IEC 60331 Cáp chịu được điều kiện cháy ở nhiệt độ 750 độ C trong thời gian ít nhất là 90 phút
Theo tiêu chuẩn CNS 11174 Điều kiện cháy ở nhiệt độ 840 độ C trong 30 phút
Tiêu chuẩn BS 6387 loại A Chống cháy ở điều kiện nhiệt độ 650 độ C trong 3 giờ
Tiêu chuẩn BS 6387 loại B Chống cháy ở điều kiện nhiệt độ 750 độ C trong 3 giờ
Tiêu chuẩn BS 6387 loại C Chống cháy ở điều kiện nhiệt độ 950 độ C trong 3 giờ
Tiêu chuẩn BS 6387 loại W Chống cháy khi có nước ở điều kiện nhiệt độ 650 độ C trong 15 phút. Sau đó chịu được thêm 15 phút nữa khi có nước phun tác động lên cáp
Tiêu chuẩn BS 6387 loại X Chống cháy khi có lực va chạm tác động ở điều kiện nhiệt độ 650 độ C trong 15 phút.
Tiêu chuẩn BS 6387 loại Y Chống cháy khi có lực va chạm tác động ở điều kiện nhiệt độ 750 độ C trong 15 phút
Tiêu chuẩn BS 6387 loại Z Chống cháy khi có lực va chạm tác động ở điều kiện nhiệt độ 950 độ C trong 15 phút

Có hai loại cáp chống cháy thông dụng là:

  • Cu/Mica/XLPE/FR-PVC: cáp chống cháy loại thường, có vỏ ngoài là FR-PVC và FR-CL
  • Cu/Mica/XLPE/LSFH: cáp chống cháy ít khói không độc, có vỏ ngoài là LSFH

2/ Cáp chậm cháy

Cáp chậm cháy là cáp bình thường nhưng có thêm đặc tính khó cháy, hạn chế cháy lan như cáp chống cháy. Nhưng khi bị cháy vẫn chập điện, ngắn mạch như cáp thường.

Một số tiêu chuẩn của cáp chậm cháy:

  • Theo tiêu chuẩn CNS 11175: Cáp có đường kính ngoài ≤ 15mm, cấp chịu nhiệt là 300 độ C trong 15 phút và cáp có đường kính ngoài > 15mm, cấp chịu nhiệt 380 độ C trong 15 phút.
  • Theo tiêu chuẩn IEC 60332-1: Thử nghiệm lan truyền ngọn lửa theo phương thẳng đứng đối với dây đơn và cáp đơn cách điện. Khoảng cách cháy xém của vỏ bọc đo được từ đầu kẹp xuống phía dưới ≥ 50mm. Nếu áp dụng tiêu chuẩn IEEE 383 thì phần cháy không lan lên đỉnh.
  • Theo tiêu chuẩn IEC 60332-3-22 Loại A: thử nghiệm này đòi hỏi vỏ bọc cáp được làm từ vật liệu không chứa kim loại tương đương với 7l/m được xếp lại thành bó trong khoảng thời gian là 40 phút.
  • Theo tiêu chuẩn IEC 60332-3-23 Loại B: thử nghiệm này đòi hỏi vỏ bọc cáp được làm từ vật liệu không chứa kim loại tương đương với 3.5l/m được xếp lại thành bó trong khoảng thời gian là 40 phút.
  • Theo tiêu chuẩn IEC 60332-3-24 Loại C: thử nghiệm này đòi hỏi vỏ bọc cáp được làm từ vật liệu không chứa kim loại tương đương với 1.5l/m được xếp lại thành bó trong khoảng thời gian là 40 phút.